Thời kỳ đầu trị vì Vương_Diễn_(Tiền_Thục)

Sau khi tức hoàng đế vị, Vương Diễn tôn phong Từ hiền phi làm thái hậu, tôn phong Từ thục phi làm thái phi. Ông lập Cao thái tử phi làm hoàng hậu.[4] Do Trương Cách là cộng sự của Đường Văn Ỷ nên bị lưu đày.[1]

Người xử lý quốc sự tuy nhiên không phải là Vương Diễn, tất cả các quyết định quan trọng đều được giao phó lại cho Vương Tông Bật. Tuy nhiên, Vương Tông Bật lại hủ bại và nhận nhiều hối lộ, còn Tống Quang Tự thì xu nịnh Hoàng đế và Vương Tông Bật. Điều này được nhìn nhận là khởi đầu cho việc Tiền Thục suy yếu. Theo ghi chép thì Vương Diễn, Từ thái hậu, và Từ thái phi thường xuyên dành thời gian du yến ở tư gia của các quần thần, và đi du ngoạn danh sơn ở các quận lân cận kinh thành, ăn uống, ngâm thơ, khiến ngân khố kiệt quệ. Thậm chí, Từ thái hậu và Từ thái phi cũng bán chức quan, bán đến cả chức thứ sử, càng khiến tình hình hối lộ trong nền chính trị Tiền Thục thêm trầm trọng. Ngoài ra, khi các quan văn võ mà Vương Diễn tin tưởng phạm pháp, họ đều không bị trừng phạt, pháp luật do vậy cũng mất đi hiệu lực.[1]

Vào cuối năm 919, Hùng Vũ[chú 2] tiết độ sứ Vương Tông Lang (王宗郎) bị buộc tội. Vương Diễn quyết định tước đoạt quan tước, phục tính danh cho người này là Toàn Sư Lãng (全師郎) và khiển Vũ Định[chú 3] tiết độ sứ Tang Hoằng Chí (桑弘志) đem quân tiến đánh Toàn Sư Lãng. Tang Hoằng Chí nhanh chóng đánh bại và bắt được Toàn Sư Lãng, giải người này về Thành Đô, song sau đó Vương Diễn quyết định phóng thích Toàn Sư Lãng.[10]

Năm 920, khi Vương Diễn đến tế Tiền Thục Cao Tổ trong Nguyên Miếu ở Vạn Lý Kiều; ông suất hậu phi, bá quan đi cùng; tế thực phẩm và dùng nhạc trống không phù hợp theo quy tắc của Nho giáo. Đến khi Hoa Dương úy Trương Sĩ Kiều (張士喬) thượng sớ can gián, Vương Diễn tức giận và suýt giết chết Trương Sĩ Kiều, chỉ đổi ý khi Từ thái hậu can thiệp. (Trương Sĩ Kiều vẫn bị lưu đày và tự sát trên đường đi.)[10]

Cũng vào năm 920, Vương Diễn quyết định thân chinh đánh Kỳ, phô trương tiến đến chiến tuyến, bất chấp lời can gián của Lạc lệnh Đoàn Dung (段融). Sau khi tiến đến tiền tuyến, ông lại trở về Thành Đô, giao lại quyền chỉ huy chiến dịch cho các tướng lĩnh. Theo ghi chép, chuyến đi này khiến cho các châu mà Vương Diễn đi qua chịu cảnh cạn kiệt tài vật. Khi Vương Diễn đến Lãng châu[chú 4], mĩ nữ là con của châu dân Hà Khang đang chuẩn bị được gả đi. Vương Diễn cho bắt cô, giao cho nhà chồng của cô 100 thất lụa như là bồi thường, song người chồng này vẫn bi thương rồi chết. Tương tự, vào năm 921, khi con gái của quân sứ Vương Thừa Chương (王承綱) chuẩn bị kết hôn, Vương Diễn cũng bắt cô nhập cung; và khi Vương Thừa Chương thỉnh Vương Diễn trả cô về, Vương Diễn cho lưu đày Vương Thừa Chương. (Con gái của Vương Thừa Chương nghe tin cha đắc tội thì quyết định tự sát.)[10]

Vương Diễn chưa từng sủng ái Cao hoàng hậu, và đến năm 921, trong khi đang rất sủng ái Vi nguyên phi, Vương Diễn gửi trả Cao hoàng hậu về nhà của cha là Cao Tri Ngôn (高知言). Cao Tri Ngôn sửng sốt, ngừng ăn và qua đời ngay sau đó. (Vi nguyên phi thực ra là cháu của Từ thái hậu, song vì Vương Diễn không muốn mọi người biết rằng mình lấy họ hàng làm thiếp nên tuyên bố rằng bà là cháu nội của tể tướng Vi Chiêu Độ triều Đường.)[10] Mặc dù sủng ái Vi nguyên phi, song Vương Diễn không lập bà làm hoàng hậu; người được phong hậu là Kim Phi Sơn.[6] Vương Diễn hiếu vi hành, dựng lều ở bất cứ nơi nào đến ẩn mình nhằm không để người dân trông thấy. Ngoài ra, do Vương Diễn chuộng đội một kiểu mũ rộng gọi là "đại tài mạo" (大裁帽), do vậy ông hạ lệnh cho sĩ dân Tiền Thục cũng đều phải đội loại mũ này.[10]